Khi nhắc đến tàng thư Akashic, người ta thường cho rằng đây là một địa điểm (chiều kích) trong thế giới tâm linh (linh hồn) mà có khả năng chứa đựng mọi thông tin (suy nghĩ, cảm xúc, nghiệp lực,…) của mọi sinh mệnh từ quá khứ đến hiện tại và ngay cả tương lai, trong mọi cảnh giới của Vũ Trụ.
Do đó, nhiều người tin rằng nếu như có thể truy cập được kho thông tin này, ta sẽ có khả năng đạt được nhiều kiến thức và sự hiểu biết hơn. Trên thực tế, nhiều người còn dành vô số thời gian, công sức cũng như tiền bạc để tu luyện, thiền định, cốt nhằm tải được những thông tin từ kho dữ liệu đó.
Nhưng điều này thực sự có thật không? Bản chất của hiện tượng này là gì?
Ta hãy cùng đi sâu vào bàn luận.
Để bắt đầu, bí mật của tàng thư Akashic nằm ở chính tên gọi của nó. Akashic có nguồn gốc là từ Akasha, trong tiếng Phạn có nghĩa là không thời gian. Vậy thì từ “tàng thư Akashic” thể hiện rằng thông tin được lưu trữ trên mọi không thời gian của Vũ Trụ.
Hiểu theo nghĩa này, tàng thư Akashic không phải là một nơi chốn cụ thể trong thế giới linh hồn, mà nó là trường thông tin tồn tại ở mọi không gian của Vũ Trụ. Do đó, tên gọi chính xác nhất của tàng thư Akashic phải là “trường thông tin Akashic”.
Lúc này, trường thông tin Akashic không còn là một khái niệm của thế giới tâm linh, mà trở thành một khái niệm có thể hiểu được theo kiến thức khoa học. Cụ thể hơn, nếu như ta đưa ra được một giả thuyết mô tả cách mà không thời gian lưu trữ thông tin, thì ta có thể vén được bức màn bí mật của tàng thư Akashic.
Vậy, thông tin (suy nghĩ, cảm xúc, nghiệp lực…) có thể lưu trữ trên không gian quanh ta như thế nào?
Theo lý thuyết tâm lý học, mọi ký ức, suy nghĩ của con người là những thông tin được mã hóa trong các kết nối thần kinh của não bộ, theo nguyên tắc giống như bộ mã nhị phân của máy tính. Nếu có dòng điện sinh học đi qua những mạch này có cấu trúc nhất định, thông tin sẽ được hiển thị thành trải nghiệm có ý thức.
Bởi bản chất những thông tin trong tâm trí ta đều là dòng điện sinh học, nên những tín hiệu này có thể trở thành bức xạ phát ra không gian ở mọi hướng với tốc độ ánh sáng. Điểm thú vị là những bức xạ này sẽ luôn tồn tại, ngay cả khi ta đã chết.
Càng đi xa khỏi cơ thể, cường độ của những sóng này sẽ càng suy giảm, giống như những đường sức của từ trường nam châm. Do đó, chúng sẽ tạo thành một trường năng lượng - thông tin bao quanh đầu của con người, với cấu trúc giống như các mẫu hình rung động (cymatic) dưới dạng toàn ảnh (hologram) ba chiều. Đây cũng chính là bản chất của các hình ảnh hào quang trong tôn giáo.
Theo nguyên tắc này, mọi thông tin đời sống của con người (hay mọi sinh mệnh) đều có thể được lan tỏa ra khắp không thời gian của Vũ Trụ. Những sóng thông tin của riêng mỗi người sẽ tạo nên cái gọi là tiềm thức hay tàng thức (a lại da thức), còn tập hợp những sóng thông tin chung được gọi là siêu thức.
Nếu những sóng thông tin này mạnh, chúng có thể chạy trên não bộ và ảnh hưởng tới tâm trí con người, hình thành nên các khả năng như thần giao cách cảm, đọc được cảm xúc, suy nghĩ của những người khác.
Với một số người có khả năng tâm linh (psychic ), họ còn đọc được những thông tin như tình trạng bệnh tật hoặc năng lượng bên ngoài bám vào trường năng lượng – thông tin của cơ thể. Đặc biệt, một số người có khả năng psychic mạnh có thể chèn sóng não của mình vào tâm trí người khác, từ đó thao túng tâm lý (thôi miên), chèn ký ức sai lệch vào người bị hại.
Còn những năng lượng bên ngoài bám vào hào quang thường là năng lượng còn sót lại của những người bị chết trong đau khổ, uất ức. Cảm xúc mạnh mẽ khi chết sẽ tạo ra những năng lượng tư tưởng có cường độ lớn tồn tại trong không gian, và sẽ được hiển thị là những vong hồn trong tâm trí con người.
Nhưng thông thường, các sóng thông tin phát ra từ não bộ có cường độ rất nhỏ, nên hầu như không đủ khả năng ảnh hưởng đến tâm trí của chúng ta. Chỉ trong trạng thái sóng não thấp Alpha và Theta, là khi mà con người trong trạng thái thôi miên (thiền định) hoặc giấc mơ, ta mới có thể truy cập và hiển thị được những thông tin đó trong tâm trí.
Điều này cũng giải thích hiện tượng trẻ nhỏ thường nhớ được tiền kiếp, bởi vì chúng chưa có sự phát triển tâm trí nên não thường hoạt động ở trong trạng thái sóng não thấp. Lúc này, não của chúng có thể bắt được thông tin trôi nổi trong không gian, hình thành nên hình ảnh được cho là của tiền kiếp.
Điều này cũng có nghĩa là về bản chất, luân hồi có thể không phải là việc một linh hồn nhập vào thân xác đứa trẻ, mà chỉ đơn giản là sóng năng lượng trên trường thông tin Akashic được tải xuống thân xác mà có sự cộng hưởng tâm thức (nhờ vào gen di truyền và tâm thức gia tộc) tương ứng.
Nói cách khác, cái chết giống như việc tải mọi ký ức đời sống lên bộ nhớ đám mây (Akashic), còn tái sinh chỉ đơn giản là việc tải mọi thông tin đó xuống một phương tiện, hay thân xác mới (Giống như việc bạn sao lưu dữ liệu điện thoại hoặc máy tính).
Do đó, việc gọi hồn thực chất chỉ là khả năng mà con người truy cập vào trường thông tin Akashic thông qua tiềm thức và tải dữ liệu của người đã chết. Điều này giống như việc các nhà khoa học dùng kính viễn vọng bắt được bức xạ, hình ảnh của các ngôi sao, thiên thể ở tận cùng của Vũ Trụ, ngay cả khi những ngôi sao này đã chết hàng tỷ nằm trước đó.
Điều thú vị là sóng não của con người lại tương đồng với dải tần số vô cùng thấp Schumann của trường điện từ Trái đất. Trong đó, tần số Schumann cơ bản 7.83hz là tần số tương đồng với trạng thái sóng não Theta, là trạng thái khi ta mơ hoặc thôi miên sâu.
Rất có thể trong trạng thái này, sóng não con người được cộng hưởng với trường điện từ của Trái Đất, nên ta có thể truy cập dễ dàng hơn những thông tin trôi nổi trên đó. Lúc này, tần số cơ bản 7.83 hz giống như những sóng mang của Radio, còn các sóng thông tin là những sóng thành phần trôi nổi trên các sóng mang đó.
Trong khi trường năng lượng của Trái Đất cũng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi bức xạ Vũ Trụ, như các chu kỳ năng lượng của mặt Trời, mặt Trăng, sự thẳng hàng của các hành tinh, nên sẽ luôn có những thời điểm mà nhân loại có chung những niềm cảm hứng, hay cùng chú ý tới những chủ đề cụ thể. Vài năm trước đây, làn sóng thức tỉnh tâm linh chính là một trong những ví dụ điển hình đó.
Làn sóng này có thể coi là một món quà của Vũ Trụ, vì nó giúp ta hiểu được sự tồn tại của thế giới tinh thần đồng song hành cùng với thế giới vật chất. Qua đó, mỗi người sẽ có cái nhìn khác với hành trình cuộc đời, thức tỉnh mục đích sống, lập trình lại tâm thức để có đời sống tốt đời đẹp đạo hơn.
Điều đáng buồn là nhiều người không áp dụng sự hiểu biết đó vào trong cuộc sống hiện tại mà lại đắm chìm vào trong thế giới tâm linh, tâm trí luôn mơ mộng trong các cõi vô hình. Một số lại vướng mắc vào trò chơi của bản ngã vi tế, trở thành phe ánh sáng, thuận chiều,…chiến đấu chống lại phe bóng tối, ngược chiều. Trong khi lại quên mất đi, bỏ qua những bài học tâm thức và nét đẹp của chính đời sống thực.
Hãy nhớ rằng, đời sống tâm linh không phải là cái gì quá xa vời, mà chính là sự phát triển tinh thần khi ta trải nghiệm và rút ra bài học từ hành trình cuộc đời. Những trải nghiệm tâm linh (nếu có) chỉ là những gia vị nhỏ của đời sống, nếu cứ đắm chìm vào nó, chỉ làm cho ta trở nên “ảo tâm linh” mà thôi.
Truy cập trường thông tin Akashic như thế nào?
Về nguyên tắc, truy cập thông tin trong trường thông tin Akashic chính là việc truy cập tiềm thức (và siêu thức), trong khi ta chỉ có thể truy cập được tiềm thức trong trạng thái sóng não thấp, nên cách tốt nhất để truy cập trường thông tin Akashic là thông qua các giấc mơ hàng ngày.
Giấc mơ còn được gọi là giai đoạn REM (mắt chuyển động nhanh) khi ngủ, đây là khi mà não bộ tắt mọi kết nối với thể xác (bất động) và tập trung vào tái cấu trúc những kết nối thần kinh của não, từ đó ta có thể thêm vào những hiểu biết mới trong tâm trí, với sự sáng tạo, mạch lạc hơn. Giấc mơ cũng là giai đoạn mà não bộ xử lý các vấn đề “rác” của tâm trí, như các tổn thương tinh thần, sang chấn, hoặc các vấn đề nan giải trong khi ta tỉnh thức.
Do đó, để giấc mơ có hiệu quả, bạn cần học cách tập trung tâm trí để tiềm thức đem đến các gợi ý trong mơ. Hãy đặt ra những câu hỏi trước khi ngủ và viết lại toàn bộ nội dung giấc mơ sau khi thức dậy. Ngoài ra, tâm trí bạn cũng có thể nhận được các gợi ý trong trạng thái thư giãn như đi bộ, đi tắm hoặc thiền định. Chỉ cần bạn tập trung tâm trí vào các vấn đề nan giải, hình ảnh gợi ý sẽ xuất hiện trong những khoảnh khắc bạn không ngờ nhất.
Lưu ý, giấc mơ thường chỉ xảy ra trong giai đoạn 6-8 giờ của giấc ngủ. Do đó, nếu bạn chỉ ngủ 5-6 tiếng hàng ngày, nó sẽ không đủ để tâm trí bạn hồi phục và phát triển. Bởi vì thông thường, thời gian 2-3 giờ đầu của giấc ngủ là giai đoạn ngủ sâu, giúp cơ thể chữa lành các tổn thương, hồi phục cơ bắp, giai đoạn 2-3 tiếng tiếp theo là giai đoạn ngủ nông, giúp não được nghỉ ngơi còn giai đoạn cuối cùng là giai đoạn REM giúp não tái cấu trúc.
Còn với trạng thái tỉnh táo bình thường, các sóng thông tin bên ngoài sẽ không thể biểu hiện trong tâm trí ta mà chỉ xuất hiện dưới dạng trực giác. Trong đó, trực giác được định nghĩa là khả năng xử lý thông tin nền của bộ não (tức thông tin không hiển thị trong tâm trí), tương ứng với toàn bộ kho dữ liệu mà bạn đã tích lũy xuyên suốt cuộc đời.
Lúc này, não bộ sẽ vận động toàn bộ mạng lưới thần kinh (ký ức) của não và đưa ra kết quả (cảm giác, cảm xúc) được cho là phù hợp nhất. Đặc điểm của trực giác là nó không yêu cầu khả năng xử lý dữ liệu cao nhưng lại có thể truy cập được mọi thông tin trong não. Còn ở thái cực ngược lại, khả năng vận động những thông tin có chọn lọc, giới hạn nhưng ở tần số sóng não cao, chính là khi mà bạn đang tư duy logic và giải quyết vấn đề.
Do đó, với trực giác bạn sẽ chỉ có thể cảm nhận “cái gì đó không đúng” chứ không nhận thức được vì sao nó lại không đúng? Do đó, trực giác sẽ không đem đến cho bạn sự hiểu biết, mà vai trò của nó là đem đến cho bạn “gợi ý” để có thể đi đến sự hiểu biết mà thôi.
Trong đó, “sự hiểu biết” là khả năng tâm trí ta xây dựng được các mô hình về thực tại, cụ thể hơn là khả năng xây dựng mối quan hệ nhân quả giữa các nhân tố mà ta quan sát, học hỏi được xuyên suốt cuộc đời. Nhờ vào các mối quan hệ nhân quả này, ta có thể đưa ra các dự đoán và thích nghi trong đời sống. Nhưng sự hiểu biết này chỉ có được dựa trên nền tảng của tư duy logic, đặc biệt là việc đúc kết các mối quan hệ nhân quả dựa trên các công thức toán học.
Trực giác cũng có hạn chế ở chỗ nó không phải lúc nào cũng chính xác tuyệt đối, vì chúng phần lớn dựa trên kho dữ liệu, trải nghiệm sống (thường giới hạn, dễ dàng thiên kiến, sai lệch) của mỗi người. Mặc dù, trực giác có thể được tạo thành từ những thông tin được tải từ trường thông tin Vũ Trụ Akashic, nhưng trong đời sống có lẽ đến hơn 90% trực giác chỉ là đến từ chính kho thông tin... của tâm trí bạn.
Tất nhiên, những người từng trải, có kinh nghiệm sống lâu năm sẽ có khả năng trực giác rất chính xác. Đặc biệt khi với những người học được khả năng làm chủ tâm thức, mọi cảm xúc thường bình ổn, trực giác còn được cải thiện nhờ khả năng truy cập và tải thông tin từ trường thông tin Akashic chính xác hơn.
Tóm lại, để truy cập và có được sự hiểu biết từ trường thông tin Akashic, con người cần học cách sử dụng cả trực giác lẫn tư duy logic trong mọi vấn đề của đời sống. Đầu tiên, hãy học cách làm chủ tâm thức, luôn giữ cảm xúc bình ổn để có trực giác chính xác nhất.
Mỗi khi bạn cảm nhận điều gì đó là không ổn, hãy dừng lại và đặt câu hỏi tại sao? Lúc này, tư duy logic cần phải được sử dụng để tìm hiểu sâu sắc vấn đề không ổn đó. Bạn càng nhận thức được mâu thuẫn logic trong lập luận, càng đào sâu được vấn đề, bạn sẽ càng có hiểu biết sâu sắc hơn.
Còn cách tư duy, đào sâu nói riêng hay phương pháp học tập nói chung để có sự hiểu biết như thế nào, đặc biệt là trong lĩnh vực của mình? Ta sẽ bàn luận trong tuần tiếp theo.
--------------------------------------------------------------------------
Dù sao thì những bàn luận trên đây chỉ là những giả thuyết của tác giả, hy vọng trong tương lai khoa học có thể vén bức màng của trường thông tin Akashic, qua đó đem lại cho chúng ta sự hiểu biết rõ ràng, sâu sắc hơn.
Theo Facebook của tác giả Ngô Sa Thạch